Dù từng được đưa vào chương trình thi đấu tại Á vận hội (ASIAD) 2018 diễn ra ở Jakarta-Palembang (Indonesia) với tư cách là bộ môn thi đấu biểu diễn, thể thao điện tử sẽ không xuất hiện tại kì ASIAD tiếp theo vào năm 2022 do thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đăng cai.

Trước đó, giới chuyên môn đã đưa ra những kì vọng về tương lai của thể thao điện tử tại ASIAD, vốn được mong đợi sẽ trở thành một bộ môn thi đấu tranh huy chương chính thức, khi các nội dung gồm LMHT, StarCraft II, Hearthstone, Liên Quân Mobile, Clash Royale và PES 2018 thu hút được rất nhiều sự quan tâm.

Trong một diễn biến có liên quan, Ủy ban Olympic châu Á (OCA) cho rằng thể thao điện tử cần có một tổ chức thống nhất trên toàn thế giới để phát triển về mặt tổ chức lẫn quy mô.

Credit: Vietnam Esports TV

Giám đốc OCA, ông Husain Al Musallam tiết lộ với AFP: “Thể thao điện tử rất cần có được một liên đoàn với quy mô toàn cầu. Hiện tại, đang có quá nhiều tổ chức quản lý, ở quá nhiều nơi. Việc này sẽ giúp thể thao điện tử trở thành một bộ môn chính thức, thay vì tiếp tục đóng vai trò biểu diễn như các giải đấu thể thao.”

Bên cạnh đó, đã có những ý kiến cho rằng “thể thao điện tử” – theo đúng tên gọi – nên được giới hạn bằng các tựa game thể thao như FIFA, PES hay NBA 2K, thay vì các trò chơi mang tính bạo lực dù ít hay nhiêu như LOL hoặc Dota 2.

Ông Zhang Dazhong – CEO của Alisports (đơn vị phối hợp tổ chức các bộ môn thể thao điện tử tại ASIAD 2018) cho biết: “Thể thao điện tử chỉ nên dừng lại ở các môn thể thao, cũng như niềm tự hào về việc được đại diện cho quê hương ở các sân chơi lớn thay vì tính giải trí của nó.”

Dù không được xuât hiện ở ASIAD, nhưng ở SEA Games 30 diễn ra tại Philippines vào cuối năm nay, thể thao điện tử sẽ có cơ hội chứng minh tầm quan trọng và sức ảnh hưởng khi được đưa vào chương trình thi đấu chính thức, với các bộ môn gồm Dota 2, Starcraft II, Tekken 7, Liên Quân Mobile, Mobile Legends: Bang Bang và Hearthstone.