Đến thời điểm này của LCK mùa hè 2022, mặc dù đã thắng tới 14 trận và giữ chắc vị trí top 2 vòng bảng, chúng ta đều có thể dễ dàng nhận thấy sự bất ổn của T1 so với chính họ ở mùa xuân. Những chiến thắng dần trở nên khó khăn hơn, những ván đấu thất bại cùng một kịch bản, đó là những gì đương kim vô địch LCK đang thể hiện. Nếu là một người hâm mộ của T1, chắc chắn bạn sẽ không thể cảm thấy yên tâm, khi trước mắt là vòng playoffs và xa hơn là Chung Kết Thế Giới (CKTG) với toàn những đối thủ sừng sỏ.
Vậy chuyện gì đang thực sự xảy ra với đội tuyển đã bất khả chiến bại suốt mùa xuân?
Dấu hỏi lớn trong giai đoạn cấm và chọn
Đây thực chất đã là vấn đề tồn đọng từ giai đoạn mùa xuân nhưng chưa bị khai thác. Một phần do phong độ của tất cả các thành viên đều ổn định, đủ sức khỏa lấp điểm yếu khi cấm chọn; phần khác vì các đối thủ tại LCK không đạt được sức mạnh lớn nhất, hầu hết có sự xáo trộn đội hình nên chưa đủ sự gắn kết. Nhưng khi phải gặp những thử thách tại MSI 2022, khó khăn dần lộ ra.
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn cảm thấy khó hiểu với cặp đôi đường dưới Jhin – Yuumi ngay trong ván 5 trận chung kết với Royal Never Give Up. Rõ ràng xét về cả thời điểm lẫn tính chất, những lựa chọn mang tính thử nghiệm như vậy đều không hợp lý chút nào. Bước sang giải mùa hè, họ cũng không ít lần đưa ra những lựa chọn trái meta nhưng không đạt hiệu quả cao, ví dụ như Renekton đường trên hay Pantheon đi rừng… Việc thử nghiệm nhiều vị tướng khác nhau không phải điều xấu, nhưng nếu nó ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, vị trí trên bảng xếp hạng hay tâm lý tuyển thủ thì nên hạn chế hết mức có thể.
Không chỉ thử nghiệm nhiều, T1 còn nhiều lần chọn những đội hình khó vận hành và thiếu sự ăn khớp một cách khó hiểu. Ngay ở ván 2 trận đấu với Liv Sandbox mới đây, họ lấy 3 tướng thiên hướng chống chịu và gây hiệu ứng khống chế ở nửa trên để dồn trọng trách gây sát thương chính cho Jinx của Gumayushi, nhưng thay vì chọn tướng hỗ trợ có khả năng bảo vệ, T1 lại lấy Blitzcrank mạnh về đảo đường cho Keria. Kết cục là Gumayushi liên tục bị “bỏ rơi” ở đường dưới và trở thành mục tiêu bị khai thác.
Trở về ván 1 trận thua Gen.G tại lượt về, T1 cũng bị đặt dấu hỏi khi chơi đội hình bắt lẻ tầm xa với Twisted Fate – Nocturne trong một meta thiên về giao tranh tổng. Họ tự đặt mình vào một trò chơi giới hạn thời gian mà phần thua nghiêng hẳn về phía họ, bởi Gen.G không phải đối thủ dễ dàng để T1 có thể lăn cầu tuyết và sớm kết thúc ván đấu.
Và vấn đề lớn nhất trong khâu cấm chọn của T1 nằm ở cấu trúc đội hình hiện tại họ đang sở hữu. Zeus đang là người chơi ổn định và có thể nói là tốt nhất của T1, nhưng họ liên tục đưa vào tay anh những vị tướng chống chịu như Ornn, Sejuani hay thậm chí là Zac. Với kỹ năng cá nhân của mình, hiển nhiên Zeus có thể chơi được bất kể tướng nào, nhưng anh sẽ không thể tác động lên ván đấu và “gánh” đội tốt như khi có Gwen hay Gangplank.
Ở phía ngược lại, Faker lại liên tục bị rơi vào thế phải “thi farm” với đường giữa đối phương khi chơi tới 10 ván Azir, nhưng hiếm khi được cầm trong tay những vị tướng có độ đột biến cao kiểu Akali hay Sylas, vốn là điểm mạnh của anh. Còn Gumayushi thường xuyên được nhường nhiều tài nguyên với các chủ lực hạng nặng: Aphelios, Jinx, Zeri… trong khi phong độ không được tốt.
- Waku waku! Đổ đứ đừ với màn cosplay Anya trong Spy x Family của SeeU
- CB “lùn” liệu có còn chỗ đứng trong Fifa Online 4?
Phong độ của Gumayushi
Chúng ta hiếm khi thấy một trường hợp nào như chủ lực của T1. Từng được đánh giá là xạ thủ số một thế giới ở thời điểm LCK mùa xuân, Gumayushi xuống dốc một cách thê thảm kể từ MSI 2022, mà cụ thể là trận đầu tiên với Saigon Buffalo.
T1 đã thắng, nhưng một điều không thể phủ nhận là Shogun và Taki đã hoàn toàn hủy diệt đường dưới của đại diện Hàn Quốc mà không cần sự hỗ trợ nào. Không rõ trải nghiệm ấy đã ảnh hưởng như thế nào đến Gumayushi, chỉ biết rằng anh đã không còn là chính mình ngay từ sau trận đấu đó đến tận bây giờ.
Hãy cùng điểm qua một vài thông số của Gumayushi so với các xạ thủ thi đấu trên 30 ván đấu để thấy rõ phong độ của anh chàng này:
- KDA: 4.3 (xếp thứ 5)
- Phần trăm điểm hạ gục của toàn đội: 27.7% (xếp thứ 9)
- Trung bình sát thương lên tướng mỗi phút: 512 (xếp thứ 8)
- Phần trăm sát thương lên tướng của toàn đội: 24.5% (xếp thứ 10)
- Trung bình vàng kiếm được mỗi phút: 315 (xếp thứ 4)
- Phần trăm vàng kiếm được của toàn đội: 26% (xếp thứ 7)
Đây chắc chắn không phải những chỉ số mà chúng ta thường thấy ở một xạ thủ nằm trong đội tuyển đang đứng top 2 bảng xếp hạng. Không chỉ liên tục nằm xuống trong giai đoạn đi đường, Gumayushi còn không làm tốt vai trò gây sát thương của mình trong giao tranh, so với lượng vàng mà anh kiếm được.
Là một xạ thủ, Gumayushi thường xuyên được tạo khoảng trống để farm, nhận tiền như khiên trụ. Không những vậy, Oner còn liên tục bỏ bãi rừng trong giai đoạn đầu trận nhằm giúp đồng đội ở đường dưới có được lợi thế, như chúng ta có thể thấy trong cả hai ván với Gen.G hay ván 2 trước LSB. Gumayushi đã không thể bù đắp cho sự hy sinh của đồng đội, vì vậy anh sẽ phải nhận một phần trách nhiệm rất lớn cho phong độ nghèo nàn của T1 thời gian gần đây.
T1 sẽ chỉ còn một trận đấu vòng bảng với Damwon KIA để tìm lại phong độ và làm nóng trước khi bước vào vòng playoffs, nơi không có chỗ cho những thử nghiệm hay sai lầm. Mục tiêu cao nhất sẽ luôn là chức vô địch LCK mùa hè và thẳng tiến tới CKTG với tư cách hạt giống số 1 Hàn Quốc, vì vậy T1 chắc chắn phải trở lại phiên bản tốt nhất của mình càng sớm càng tốt.
XEM THÊM: LCK Mùa Hè 2022: Cú sút thần sầu của Canyon đưa DK trở lại top 4